Tổ chức Y tế thế giới mới đây đưa ra cảnh báo về sự gia tăng các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ, được cho là có liên quan tới bệnh COVID-19. Tại Bệnh viện Nhi TW hiện chưa ghi nhận các trường hợp có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan đến virus Adenovirus...
Mới đây, văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết nước Anh đang chứng kiến "sự gia tăng đáng kể và đột ngột" các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ, được cho là có liên quan tới bệnh COVID-19.
WHO đã nhận được thông báo về 10 trường hợp viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em dưới 10 tuổi trên khắp miền Trung Scotland vào ngày 5/4 vừa qua; đến ngày 8/4, con số này đã tăng đột biến, lên 74 trường hợp ghi nhận trên toàn nước Anh.
Những phân tích trong phòng thí nghiệm đã loại trừ khả năng các bệnh nhi nêu trên nhiễm các loại virus viêm gan A, B, C và E, thậm chí virus viêm gan D ở một số trường hợp, song phát hiện các em nhiễm một trong hai loại virus SARS-CoV-2 và adenovirus, trong đó có nhiều em nhiễm đồng thời cả hai loại virus này. Theo WHO, cần phải thực hiện các phân tích về di truyền của virus để xác định bất kỳ mối liên hệ nào có thể xảy ra giữa các trường hợp nêu trên. Tính đến ngày 11/4, chưa có trường hợp nào tử vong.
Sau báo cáo về các ca viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em tại Anh, các trường hợp tương tự đã xuất hiện ở Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ.
Các triệu chứng của những bệnh nhi trên bao gồm vàng da, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng. WHO kêu gọi các quốc gia xác định, điều tra và báo cáo về những trường hợp tương tự.
Theo các chuyên gia Bệnh viện Nhi TW, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau (trên 2 bộ phận) có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa.
Khi trẻ xuất hiện những tình trạng như sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc,… thì cha mẹ cần đưa con tới các cơ sở y tế để biết có mắc hậu COVID-19 hay hội chứng MIS-C hay không.
Đối với hội chứng MIS-C, không có chuẩn vàng để chẩn đoán, cần tập hợp nhiều triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm. Chẩn đoán bằng cách loại trừ với các bệnh lý khác (các bệnh lý có biểu hiện tương tự nhưng không liên quan đến COVID-19 như nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa cấp, viêm tiết niệu,.. Đặc biệt cần phân biệt nhất là giữa MIS-C và COVID-19 cấp tính; giữa MIS-C và Kawasaki (sốt cấp kèm phát ban toàn thân).
Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi TW nhấn mạnh thêm, không phải trẻ nào mắc COVID-19 cũng bị hội chứng này, mà xuất hiện trên những trẻ có đáp ứng miễn dịch quá mức, cơ chế điều hòa miễn dịch bị rối loạn không kiểm soát được cơn bão cytokine.
Cách tốt nhất để phòng MIS-C là tránh không để trẻ bị mắc COVID-19. Cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch như 5K và cho trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19 khi có chỉ định, tiêm đủ liều cũng như tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo lịch.
Tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 giúp trẻ giảm nguy cơ mắc COVID-19 nặng/nguy kịch, đồng thời cũng giảm nguy cơ bị hội chứng MIS-C.
Nguồn: suckhoedoisong.vn