eDoctor
eDoctor
eDoctorChia sẻ

Lác mắt

Mắt lé (lác) là hiện tượng hai mắt nhìn theo hai hướng khác nhau. Nó có thể xảy ra thường xuyên hoặc không và có khoảng 5% trẻ em mắc bệnh này ở cả nam và nữ. Lác có thể là do vấn đề về các cơ mắt, các dây thần kinh của mắt hoặc não. Ở người lớn, nguyên nhân của lác có thể là bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh đa xơ cứng, bệnh nhược cơ hoặc rối loạn tuyến giáp.

TRIỆU CHỨNG

Hai mắt lệch nhau; Nhìn đôi; Thường xuyên nheo mắt; Khả năng tập trung kém.

CHẨN ĐOÁN

Thực hiện khai thác bệnh sử và khám thực thể, khám nhãn khoa cụ thể và thử nghiệm trực quan.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị hướng vào việc khôi phục và cải thiện chức năng thị giác. Điều trị có thể bao gồm các phương pháp bịt mắt, thuốc nhỏ mắt, bài tập tăng cường và kính. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên phẫu thuật.

Tổng quan

Lác mắt là tình trạng khi ta nhìn vật nào đó, hai mắt không thẳng hàng mà có một mắt lệch đi so với mắt kia.

Theo các chuyên gia nhãn khoa thì lác là một bệnh hay gặp với hai biểu hiện chính, bao gồm: rối loạn vận động nhãn cầu dẫn tới sự lệch trục nhãn cầu (gọi là lác) và rối loạn chức năng của mắt (nhược thị, mất thị giác hai mắt).

Có tới 4% trẻ sinh ra đã bị hiện tượng lệch trục nhãn cầu, biểu hiện bằng lác mắt, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể quan sát thấy bằng mắt thường. Bệnh lý này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra nhược thị và rối loạn thị giác. Lác mắt có thể là lác trong (nhãn cầu lệch vào trong), lác ngoài (nhãn cầu bị lệch ra ngoài) hay lác đứng (nhãn cầu lệch lên trên hoặc xuống dưới). Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Đôi khi tật khúc xạ (như viễn thị) gây ra lác trong. Thị lực kém ở một bên mắt cũng có thể gây ra lác.

Khi mắt bị lác, hai mắt sẽ nhìn theo hai hướng khác nhau và sẽ nhìn thành hai hình. Lúc đó, não sẽ xóa bỏ hình ảnh của mắt lác, ức chế không cho mắt này nhìn và gây ra nhược thị. Vì vậy, người bệnh sẽ mất khả năng nhìn bằng hai mắt đồng thời không có được thị giác hai mắt.

Nhược thị là tình trạng thị lực ở một hoặc cả hai mắt giảm dưới mức bình thường, làm cho khả năng nhìn của mắt kém. Biểu hiện phức tạp của lác chính là sự lệch trục nhãn cầu: có những trường hợp bệnh nhân "lác ẩn" không lộ ra ngoài, phải qua thăm khám mới phát hiện ra. Các loại lác với biểu hiện đơn thuần như: lác trong, lác ngoài, lác đứng; phức tạp hơn là những trường hợp phối hợp cả lác ngang và lác đứng tạo ra độ lác chéo...

Nguyên nhân

Tình trạng trẻ dưới 6 tháng tuổi bị lác xảy ra thường xuyên, đó là do bẩm sinh; các bác sĩ xác định có tới 20% nguyên nhân của bệnh lác là do di truyền. Ngoài ra, người bình thường cũng có thể bị lác sau khi bị sốt cao co giật, đó là do biến chứng.

Nhiều trường hợp gia đình phát hiện trẻ bị lác bẩm sinh thì cho rằng không cần điều trị, trẻ lớn lên sẽ tự khỏi. Phần lớn các bậc phụ huynh không phát hiện ra những biểu hiện bất thường trong mắt của trẻ, đặc biệt là đối với những trẻ không có biểu hiện rõ ràng. 

Ở nước ngoài, trẻ bị lác dưới 5 tuổi đã được tiến hành phẫu thuật, tạo cơ hội tốt để trẻ phục hồi thị lực; còn ở nước ta, trẻ có bệnh thường được đưa vào viện giai đoạn 8-10 tuổi là rất muộn. Tại thời điểm đó, tiến hành phẫu thuật thường chỉ có tác dụng thẩm mỹ, còn khả năng phục hồi đôi mắt khỏe mạnh là rất khó khăn.

Người lớn thường lác thứ phát sau một chấn thương mắt, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) không được điều trị hoặc một bệnh lý nào đó, có thể tổn thương ở thần kinh hoặc tại cơ vận nhãn.

Nguyên nhân khác

Triệu chứng của lác đơn giản nhất là thấy hai mắt lệch nhau do người xung quanh phát hiện hoặc khi soi gương. Tuy nhiên, có những trường hợp lác độ nhỏ hoặc lác ẩn thì khó phát hiện hơn.

Triệu chứng có thể là mỏi mắt thường xuyên hoặc khả năng tập trung kém, nhìn mờ do tật khúc xạ kèm theo hoặc do nhược thị.

Nếu lác mắt xảy ra đột ngột, bệnh nhân có thể nhìn đôi. Để giảm khó chịu bệnh nhân sẽ nghiêng đầu để nhìn, và dần dần não sẽ tự ức chế ảnh ở một mắt để xoá song thị. Hậu quả là gây ra nhược thị ở một mắt.

Phòng ngừa

Hầu hết các trường hợp lác ở trẻ em không rõ nguyên nhân. Trong hơn một nửa các trường hợp, lác xuất hiện ngay khi sinh ra hoặc một thời gian ngắn sau khi sinh. Lác không thể phòng ngừa nhưng có thể chữa khỏi nếu can thiệp sớm.

Điều trị

Quá trình điều trị lác đòi hỏi sự kiên trì của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Kết quả phụ thuộc rất nhiều vào tuổi phát bệnh và việc bệnh có được phát hiện và điều trị sớm hay không.

Lác được chia làm 2 loại chính: Lác cơ năng và lác liệt. Trong phần này chỉ đề cập đến chứng lác cơ năng, biểu hiện ở 3 vấn đề chính: nhược thị (thị lực ở một hoặc cả hai mắt giảm dưới mức bình thường), lệch trục nhãn cầu và rối loạn thị giác 2 mắt.

Nếu lác có kèm theo dị tật khác thì nhiều khi phải xử lý dị tật khác trước. Các ca lác đơn thuần thường điều trị qua 3 bước: chỉnh thị, phẫu thuật chữa lệch trục nhãn cầu và điều trị phục hồi thị giác 2 mắt. Kết quả của phức hợp điều trị này phụ thuộc rất nhiều vào tuổi phát sinh lác, lác có được phát hiện và điều trị sớm hay không. Bệnh lác càng được phát hiện và điều trị sớm càng có kết quả tốt.

Điều trị chỉnh thị

Được áp dụng cho tất cả những ca có nhược thị ở 1 hoặc 2 mắt.

Bịt mắt lành hoàn toàn. Đây là phương pháp cổ điển nhất nhưng đến nay vẫn có tác dụng tốt. Bịt mắt tốt 2-4 tuần để tạo điều kiện cho mắt nhược thị tập luyện hồi phục thị lực. Cần theo dõi chặt chẽ thị lực mắt bị bịt vì dễ xảy ra nhược thị đảo ngược, gây khó chịu về thẩm mỹ cho trẻ.

Bịt mắt lành cục bộ: Là phương pháp để mắt lành không được nhìn xa hoặc không được nhìn gần.

Phương pháp phục thị: Đòi hỏi nhiều máy móc đắt tiền, quy trình điều trị phức tạp và cần theo dõi chặt chẽ.

Phẫu thuật lệch trục nhãn cầu

Ngoại trừ hình thái lác điều tiết thuần túy (đeo kính là hết lác), các loại lác còn lại đều phải thông qua phẫu thuật. Vấn đề đặt ra ở đây là:

  • Thời gian nào nên mổ?
    Mổ sớm thì khả năng phục hồi chức năng thị giác sẽ cao hơn, nhưng khó đánh giá chính xác độ lác. Mổ muộn thì chẩn đoán chính xác hơn và có thể phối hợp điều trị chỉnh quang, chỉnh thị trước và sau phẫu thuật. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi nào đánh giá được độ lác, hình thái lác, thị lực và thị giác 2 mắt thì nên mổ. Thời điểm đó trẻ thường ở độ tuổi 4-5.
  • Mổ 1 mắt hay mổ 2 mắt?
    Tùy thuộc vào độ lác, hình thái lác, chức năng cơ và một số yếu tố khác như khả năng quy tụ, độ rộng hẹp của khe mi... Do vậy, trên thực tế có những bệnh nhân lác 1 mắt nhưng lại mổ 2 mắt hay lác 2 mắt chỉ cần mổ 1 mắt.

Phục hồi, duy trì thị giác 2 mắt

Phẫu thuật điều trị lệch trục nhãn cầu là bước giải quyết yếu tố thẩm mỹ. Nhiều người tưởng rằng đây là bước cuối cùng nên đã bỏ đi bước điều trị phục hồi, duy trì thị giác 2 mắt. Đây là khâu đòi hỏi lòng kiên trì của cả thầy thuốc và người bệnh vì nó quyết định sự thành công của phức hợp điều trị lác. Sau phẫu thuật, người bệnh cần được kiểm tra lại thị lực, chức năng thị giác 2 mắt và được hướng dẫn điều trị cho phù hợp.

Bệnh phổ biến
Tải ứng dụng để nhận thông báo Tin tức sức khỏe mới nhất
eDoctor - App StoreeDoctor -  Google Play

Bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin mình cần?

Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh nhất cho bạn.